Hiện nay máy tính bảng (tablet) đã có thể làm gần như mọi việc tuy nhiên những chiếc laptop vẫn cho thấy khả năng chưa thể thay thế của mình. Laptop có bàn phím, tablet đã có bàn phím rời. Tablet có màn hình cảm ứng, laptop cũng trang bị màn hình cảm ứng gập 360 độ. Cuộc chiến này bao lâu mới đi đến hồi kết?
Laptop màn hình cảm ứng gập 360 độ – Sử dụng khá đầy đủ nhưng cơ chế gập dễ hư hại
Các mẫu laptop màn hình cảm ứng gập 360 độ đã có mặt trên thị trường cũng khoảng 5 năm nay. Các hãng laptop cũng rất chăm chỉ nâng cấp những dòng laptop này vì sự tiện dụng.
Chúng ta đều biết rằng hệ điều hành phổ biến nhất trên laptop là Window. Các dạng laptop cảm ứng này vẫn được chạy Window 10 Home hay Pro nên sử dụng được như một chiếc laptop thông thường.
Sự hỗ trợ đầy đủ của hệ điều hành Window giúp dòng laptop này cài đặt và chạy được mọi ứng dụng thực thi (.exe). Cũng như phần mềm văn phòng, game PC hay các phần mềm chuyên dụng,… bạn đều cài đặt được trên các loại laptop cảm ứng gập mà không bị giới hạn bởi cửa hàng ứng dụng như máy tính bảng.
Laptop gập vẫn hỗ trợ đầy đủ chức năng của laptop thông thường.
Với bản lề gập 360 độ và tùy biến màn hình cảm ứng, bạn có thể chuyển máy thành một chiếc máy tính bảng bất cứ lúc nào. Chỉ cần gập màn hình lại 360 độ, bấm chọn chế độ Tablet là bạn đã có một chiếc máy tính bảng Window rồi.
Thực tế sử dụng cho thế cơ chế bản lề gập còn gập được ở nhiều góc độ khác nhau. Bạn có thể lật máy xuôi ngược dọc ngang tùy thích và tùy vào trường hợp sử dụng như lật ngược để xem phim hay gập 180 độ để chia sẻ thông tin cho người đối diện.
Gập 30 độ thành máy tính bảng.
Laptop gập 360 độ có nhiều tư thế sử dụng hay ho.
Các dòng laptop màn hình cảm ứng gập chủ yếu hướng đến những người dùng sáng tạo, thiết kế nên màn hình cũng được chăm chút. Màn hình cảm ứng đa điểm cho các thao tác vuốt chạm khá tốt. Màn hình laptop cũng lớn hơn màn hình máy tính bảng nên cho không gian làm việc rộng rãi và thoải mái hơn.
Nếu màn hình cảm ứng có vấn đề hoặc không thích sử dụng thì bạn cũng còn bàn phím và bàn di chuột hay chuột rời để sử dụng chứ không quá phụ thuộc vào màn hình cảm ứng.
Màn hình của laptop cảm ứng cho khả năng vuốt chạm khá mượt.
Cấu hình của dòng laptop cảm ứng gập 360 độ hiện tại cũng khá cao để làm việc với các ứng dụng đồ họa, thiết kế chuyên dụng hay dựng video nâng cao và cả chơi game PC. Điều mà trên máy tính bảng không làm được hết 100%.
Mặc dù màn hình cảm ứng và cơ chế gập khiến giá thành của dòng laptop này đội lên cao nhưng nếu bỏ ra khoảng 18 triệu là bạn có một chiếc laptop cảm ứng core Intel i5, RAM 8GB và SSD 512 GB, dư sức để dùng Photoshop và chơi game nhẹ như chiếc Lenovo IdeaPad C340 14IML.
Lenovo IdeaPad C340, một chiếc laptop màn hình gập cấu hình đủ tốt có giá phải chăng.
Mang đặc tính của một chiếc laptop thông thường nên các dạng laptop cảm ứng gập này hỗ trợ đầy đủ các cổng kết nối. Từ cổng USB-A, USB-C, jack cắm tai nghe 3.5 mm cho đến khe cắm thẻ nhớ SD và cả cổng HDMI. Vì vậy mà bạn không phải bỏ tiền ra để mua thêm các adapter chuyển đổi.
ASUS ZenBook Flip, một chiếc laptop màn hình gập hỗ trợ đầy đủ cổng kết nối.
Tuy nhiên laptop màn hình cảm ứng gập 360 độ cũng tồn tại nhiều rủi ro về bản lề. Với dòng laptop phổ thông, gập ra gập vào hằng ngày thì khoảng 3 năm cũng đã có xảy ra hiện tượng lỏng cáp màn hình.
Mặc dù bản lề gập 360 độ được các hãng bảo đảm chất lượng nhưng người dùng vẫn lo lắng. Và nếu bản lề bị hư khi hết hạn bảo hành khi bạn cũng sẽ tốn số tiền kha khá để thay mới.
Bản lề gập 360 độ đem đến nhiều nguy cơ hư hại.
Nhược điểm thứ hai đến từ kích thước và độ dày laptop khi sử dụng ở Tablet Mode. Khi gập lại 360 độ, màn hình và bàn phím tạo nên độ dày rất lớn nên việc cầm sử dụng như một chiếc máy tính bảng sẽ khó khăn hơn nhiều. Chưa kể trọng lượng cũng nặng hơn máy tính bảng nên sẽ mỏi tay khi cầm sử dụng lâu.
Laptop gập 360 độ cũng khá cồng kềnh khi gập lại cầm trên tay.
Mặc dù các hãng cũng hỗ trợ bút cảm ứng cho một số dòng laptop màn hình cảm ứng gập. Nhưng chiếc bút này vẫn chưa phát huy được nhiều công dụng như Apple Pencil hay Surface Pen khi khả năng cảm ứng lực chưa tốt lắm.
Bút cảm ứng của laptop cảm ứng chưa thực sự tốt.
Và nhược điểm cuối cùng đến từ giao diện phần mềm. Vì những phần mềm bạn cài đặt dành cho PC nên chúng vẫn không tối ưu được hoàn toàn khi ở chế độ Tablet.
Như việc bạn cài game PC lên máy, bạn đâu thể chơi ở chế độ Tablet được. Như khi sử dụng Photoshop bản máy tính cũng rất khó khăn vì bạn đã quen với các thao tác phím tắt.
Máy tính bảng kèm bàn phím rời – Tiện lợi nhưng chưa đầy đủ
Máy tính bảng ra đời sau laptop nhưng nhiều người kỳ vọng thiết bị này sẽ là giải pháp thay thế laptop. Máy tính bảng hiện nay có thể chia làm 3 loại: Apple iPad (chạy iOS và giờ là iPadOS), Microsoft Surface Pro (chạy Window RT) và máy tính bảng Android. Mình sẽ chỉ nói đến 2 loại đầu tiên, vì máy tính bảng Android chung quy vẫn chỉ là một chiếc điện thoại Android phóng lớn.
iPad Pro 2020… (Nguồn: 9to5mac)
…và Surface Pro 7 là 2 đại điện tablet nhiều người ao ước. (Nguồn: Microsoft)
Lợi thế đầu tiên của máy tính bảng so với laptop là thiết kế nhỏ gọn, mỏng nhẹ hơn nhiều. Độ mỏng của iPad hay Surface Pro ngày càng được tối ưu và mỏng ngang ngửa một chiếc smartphone. Mặc dù những chiếc laptop màn hình cảm ứng gập cũng đã rất nhẹ và mỏng rồi nhưng vẫn không bằng tablet.
Thiết kế mỏng nhẹ của tablet giúp người dùng cầm nắm sử dụng lâu mà không mỏi tay hay có thể đặt gọn trong túi mà đem đi công tác xa.
Tablet rất nhỏ gọn và mỏng nhẹ khi cầm trên tay. (Nguồn: GadgetMatch)
Tham vọng thay thế laptop, các nhà sản xuất máy tính bảng cũng đưa ra những phụ kiện như bàn phím rời, chuột Bluetooth hay các phần mềm tùy biến để máy tính bản có thể sử dụng như một chiếc laptop.
Surface Pro xuất xưởng với bàn phím được tặng kèm và chiếc bút Surface Pen. Chiếc iPad 2020 mới ra mắt cũng cho thấy khả năng thay thế máy tính với bàn phím Magic Keyboard.
Bàn phím đi kèm Surface Pro 7 cho trải nghiệm tốt. (Nguồn: The Verge)
iPad Pro thì phải mua thêm bàn phím nhưng kết hợp hoàn hảo.
Hỗ trợ bàn phím rời (bàn phím Bluetooth) cho thấy khả năng làm việc rất linh hoạt của máy tính bảng. Bây giờ đã là “thời đại đám mây” khi mọi người đều làm việc trên website hay Google Drive, thì sự kết hợp này phù hợp với dân văn phòng hay những người làm nội dung website.
Không cần laptop cồng kềnh vì hầu như mọi nhu cầu này bạn đều có thể làm trên tablet.
Sự nhỏ gọn của tablet có thể tận dụng làm việc mọi nơi. (Nguồn: Microsoft)
Apple Pencil và Surface Pen dùng cho iPad và Surface Pro được giới công nghệ đánh giá là 2 chiếc bút cảm ứng hoàn hảo nhất hiện nay với công nghệ cảm ứng lực.
Với 2 chiếc bút này cùng máy tính bảng tương thích thì designer, họa sĩ truyện tranh hay photographer là những đối tượng người dùng phù hợp nhất. Các phần mềm vẽ hay thiết kế cũng được tùy biến tương thích với 2 dòng tablet này.
Như 2 phiên bản ứng dụng Lightroom và Photoshop dành cho tablet, với chiếc bút cảm ứng thần thánh thì các photographer có thể chỉnh sửa ảnh cho khách ở bất cứ mọi nơi mà không cần đến laptop. Chưa kể màn hình của iPad cũng cho khả năng hiển thị màu hình cực tốt.
Apple Pencil cho cảm ứng lực tốt. (Nguồn: Business Insider)[/captionnws]
Hệ điều hành của Apple xưa nay rất mượt mà nên hiệu năng cao của iPad là điều không thể bàn cãi. Surface Pro hiện tại cũng được trang bị cấu hình tương được các laptop tầm cao với chip Intel core i7, RAM 16 GB và SSD 1 TB cho hiệu năng cực tốt.
Chưa kể, việc khởi động ứng dụng trên tablet cũng nhanh hơn trên laptop màn hình cảm ứng gập. Khi sử dụng laptop xong bạn sẽ tắt máy nhưng tablet chỉ khóa màn hình thôi nên việc khởi động lại thì tablet đã ăn đứt rồi.
Chỉnh sửa ảnh nâng cao không cần laptop rườm rà chỉ cần iPad là đủ. (Nguồn: Nicolsyblog)
Tablet ngoài việc hỗ trợ camera trước thì cũng hỗ trợ cả camera sau nên việc ghi lại một hình ảnh gì đó cũng khả thi so với laptop màn hình cảm ứng gập. Việc trang bị camera trước và sau cũng thích hợp để thực hiện video call hội họp online.
iPad và Surface Pro / Pro X cũng hỗ trợ khe cắm sim. Mặc dù không thể nghe gọi như điện thoại nhưng có thể sử dụng 4G LTE, đảm bảo khả năng kết nối online xuyên suốt. Còn với laptop bạn chỉ có thể online khi có Wifi hay kết nối mạng Ethernet mà thôi.
Tablet còn hỗ trợ camera sau. (Nguồn: WCCFTech)
Tuy nhiên máy tính bảng kèm bàn phím rời không phải là thiết bị hoàn hảo. Thiết kế mỏng nhẹ đã khiến tablet bị lược bỏ hầu như mọi cổng kết nối. Surface Pro 7 mới nhất cũng chỉ có cổng USB-C và USB-A, còn iPad thì chỉ có cổng Lightning nên phải dùng adapter để kết nối với các thiết bị khác. Kích thước nhỏ gọn nên màn hình của iPad hay Surface Pro cũng không đem đến không gian hiển thị rộng rãi như laptop
Surface Pro 7 khá ít cổng kết nối. (Nguồn: Engadget)
Việc chạy các hệ điều hành được tùy biến riêng cho máy tính bảng cũng như khả năng bảo mật mà máy tính bảng không thể cài các ứng dụng thực thi bên thứ 3 mà chỉ có thể tải ứng dụng từ cửa hàng. Nhưng nhu cầu của người dùng thì không dừng lại ở các ứng dụng trên store.
Cho nên dù có chuột, có bàn phím thì bạn không thể chơi các tựa game PC hay làm các ứng dụng chuyên sâu khác được mặc dù cấu hình của iPad hay Surface Pro cũng khá cao cấp.
“Bao giờ máy tính bảng có thể thay thế cho laptop?”
Cách đây vài năm có một câu hỏi được đặt ra rằng: “Bao giờ máy tính bảng có thể thay thế cho laptop?”. Và đến bây giờ với những gì mà máy tính bảng làm được thì các bạn cũng có câu trả lời rồi nhỉ? Tablet bây giờ thực sự rất tốt nhưng laptop vẫn tốt hơn.
Điểm mạnh của laptop so với tablet mà ai cũng có thể nhìn thấy đến từ phần mềm. Phần mềm của laptop rất phong phú và người dùng có thể làm gần như mọi việc. Việc laptop trang bị màn hình cảm ứng gập 360 độ và chế độ Tablet cũng là một nước cờ để laptop khẳng định vị thế.
Thời đại của tablet chỉ thực sự đến nếu các thiết bị kết nối không dây được phổ cập đại trà và các phần mềm được số hóa hoặc tùy biến riêng cho tablet. Và nếu như thói quen người dùng thay đổi.
Còn bạn, bạn chọn laptop thường, laptop màn hình cảm ứng gập hay chọn sử dụng máy tính bảng kèm bàn phím rời để làm việc? Để lại bình luận bên dưới cho mình biết nhé.