CPU (vi xử lý) và RAM là 2 yếu tố cấu hình người dùng quan tâm nhất khi mua điện thoại. Mỗi thành phần thực hiện một chức năng nhưng chung quy đều giúp chiếc smartphone đó chạy nhanh hơn. Dù vậy không phải điện thoại nào cũng có CPU mạnh và nhiều RAM. Vậy giữa CPU và RAM nên ưu tiên cái nào hơn khi chọn mua điện thoại?
CPU – Quyết định tốc chạy của smartphone nhanh như thỏ hay chậm như rùa
CPU là chip xử lý hay vi xử lý. Có thể hiểu đơn giản hơn thì CPU chính là trái tim của chiếc điện thoại, điều khiển tất cả các hoạt động của điện thoại và cả quyết định tốc độ làm việc của thiết bị. Không có tim thì không thể thở được nên tất cả mọi chiếc điện thoại đều phải có CPU, nếu không sẽ không hoạt động được.
CPU trên điện thoại hiện nay có 5 loại phổ biến:
- Apple Bionic A series: Dùng cho các thiết bị iPhone và iPad.
- Qualcomm Snapdragon: Có 4 loại Sapdragon 4xx, 6xx, 7xx và 8xx được hầu hết nhà sản xuất điện thoại Android chọn mặt gửi vàng.
- MediaTek Helio: Dùng cho các smartphone Android giá rẻ và tầm trung nhưng không nhiều như Snapdragon.
- Exynos: Trang bị cho các smartphone Galaxy của Samsung.
- Kirin: Sử dụng trên các smartphone Huawei.
Khi nhắc đến CPU người ta thường đề cập đến số nhân xử lý. Ở giai đoạn đầu bùng nổ smartphone, CPU chỉ là chip lõi đơn (hay chip đơn nhân). Dần dà, với sự phát triển của công nghệ, CPU được nâng lên lõi kép, lõi tứ và thậm chí là lõi tám, lõi mười. CPU nhiều nhân sẽ giúp xử lý nhiều tác vụ cùng lúc tốt hơn vì mỗi nhân sẽ làm một nhiệm vụ, như một người có thêm tay vậy đó. Tuy nhiên số nhân càng nhiều thì cũng không quyết định đến hiệu năng của điện thoại mà còn kết hợp các yếu tố khác.
Mỗi dòng chip xử lý di động khác nhau có một hiệu năng khác nhau. (Nguồn: Apple)
Một trong số đó là tốc độ xử lý (hay xung nhịp CPU) được đo bằng MHz hoặc GHz. Khoảng 10 năm trước, tốc độ xử lý CPU điện thoại rơi vào khoảng 500 – 800 MHz nhưng hiện nay con số này đã lên đến 3 GHz. Đối với các CPU cùng loại, tần số này càng cao thì tốc độ xử lý sẽ càng tăng. Còn đối với CPU khác loại, thì điều này chưa chắc đã đúng mà còn phải phụ thuộc vào số nhân CPU nữa.
Lúc trước một người bạn của mình muốn mua một chiếc smartphone tầm trung, khi xem thông số mẫu máy đó thì nhận thấy xung nhịp dưới 2 GHz, thế là anh ta do dự. Tuy nhiên mình thấy xung nhịp này không quá quan trọng, vì khi mua về chiếc máy này đem đến hiệu năng rất ổn định. Cho nên mình nghĩ rằng xung nhịp của CPU là điều quan trọng nhưng phải kết hợp cùng số nhân mới đem đến những thao tác mở ứng dụng, load game, vuốt back hay trở về màn hình chính mượt mà nhất.
Bên trong chip xử lý còn nhiều thành phần khác ảnh hưởng đến hiệu năng điện thoại. (Nguồn: Wccftech)
Mỗi loại CPU điện thoại còn đi kèm một chip xử lý đồ họa (GPU). GPU quyết định đến việc hiển thị hình ảnh, video, nội dung game đẹp xấu ra sao. GPU còn quyết định việc bạn có bật được khung hình cao khi chơi game hay không.
Con chip càng cao cấp, càng mới thì GPU càng được nâng cấp. Tốc độ xử lý của chip tầm trung hiện nay đã được cải thiện, khoảng cách nhanh chậm giữa chip tầm trung và chip cao cấp được rút ngắn đi rất nhiều. Ví dụ, một con chip Snapdragon dòng 6xx và dòng 8xx có thể bật tối đa đồ họa khi chơi Liên Quân Mobile, trong quá trình chơi không tuột một FPS nào nhưng chất lượng hình ảnh, cách nhân vật di chuyển, hiệu ứng trong game sẽ có sự chênh lệch mà tỉ số sẽ nghiêng về Snapdragon 8xx.
Chip càng cao cấp thì đồ họa càng đẹp, chơi game càng thích. (Nguồn: GSMarena)
Hiện nay các nhà sản xuất hay nhắc đến tiến trình sản xuất chip 10 nm, 7 nm hay 5 nm. Con số này đại diện cho kích thước bóng bán dẫn trên chip. Một con chip sẽ được cấu thành từ hàng tỉ bóng bán dẫn siêu nhỏ, với hai trạng thái hoạt động là bật và tắt để thực hiện chức năng tính toán.
Để hoạt động, các bóng bán dẫn này cần có nguồn điện và kích thước của bóng bán dẫn càng nhỏ thì lượng điện năng tiêu thụ càng thấp. Từ đó, chúng có thể thực hiện nhiều tác vụ tính toán hơn mà không sinh ra quá nhiều nhiệt. Như vậy, khi thu nhỏ kích thước bóng bán dẫn sẽ giúp các hãng sản xuất cải thiện hiệu suất chip và đem đến hiệu năng tốt hơn cho smartphone.
Những dòng chip cao cấp như Apple A13, Exynos 990, Snapdragon 865 hay Kirin 990 5G đều được sản xuất trên tiến trình 7 nm nên đem đến hiệu năng tuyệt vời. Một số dòng chip tầm trung thì cũng đã thu nhỏ kích thước bóng bán dẫn xuống 10 – 12 nm nên cải thiện phần nào hiệu năng.
Chip xử lý di động ngày càng được thu nhỏ. (Nguồn: Internet)
Để tìm hiểu rõ hơn về các dòng CPU nổi bật và thông dụng trên điện thoại hiện nay, các bạn nên đọc thêm bài viết này nhé: CPU trên điện thoại: Cơ quan đầu não của một chiếc smartphone, Snapdragon, Exynos, Kirin,… đâu là CPU ngon nhất?
Bộ nhớ RAM – Smartphone chạy được nhiều ứng dụng hay không thì nhờ “anh”
RAM, từ viết tắt của Random Access Memory (bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên), là một trong những linh kiện quan trọng của smartphone bên cạnh vi xử lý (CPU) và bộ xử lý đồ họa (GPU). Bộ nhớ RAM là thiết bị trung gian để khi một ứng dụng được khởi chạy, thông tin của ứng dụng được tạo ra và lưu trữ trên bộ nhớ RAM. Sau đó các thành phần khác như CPU, GPU lấy thông tin đó và xử lí. Bộ nhớ RAM càng lớn đồng nghĩa với việc nó có thể chứa cùng lúc dữ liệu của nhiều chương trình đang chạy song song.
RAM là thành phần quan trọng của bất cứ thiết bị nào. (Nguồn: Gamehub)
RAM sử dụng trong smartphone là RAM động (DRAM – Dynamic RAM), điều này có nghĩa là nội dung được lưu trong DRAM có thể được thay đổi rất nhanh để lưu nội dung mới. RAM động trên điện thoại là loại RAM tiêu thụ điện năng thấp (ký hiệu là LPDDR, LP là low-power), do đó cũng đem đến hiệu năng thấp. Chính vì vậy mà smartphone dù RAM nhiều nhưng vẫn không mượt mà bằng laptop có cùng RAM. Những flagship hiện tại đã sử dụng RAM LPDDR thế hệ 5, những smartphone tầm trung còn loanh quanh ở thế hệ 3 hoặc 4.
RAM càng cao cấp càng cho khả năng xử lý tốt. (Nguồn: Internet)
Ở những smartphone cao cấp, chip mạnh và RAM nhiều là điều hiển nhiên nên chúng ta không cần phải băn khoăn lựa chọn. Nhưng ở smartphone tầm trung và giá rẻ thì phải đánh đổi 1 trong 2 thứ đó. Theo mình, dung lượng RAM tiêu chuẩn trên smartphone hiện tại ít nhất phải là 4 GB thì mới đủ để chạy những ứng dụng cơ bản và chơi game.
Có những mẫu smartphone được trang bị một con chip khá là “cùi” nhưng nhà sản xuất “lươn lẹo” bằng cách tăng dung lượng RAM từ 6 – 8 GB để lôi kéo người dùng. Một số khác thì cho ra tận 2 phiên bản RAM cùng lúc, hãng khác thì ra mắt trước 1 phiên bản RAM ít hơn và 1 phiên bản RAM nhiều hơn sau đó vài tháng. Tốc độ xử lý giữa 2 phiên bản RAM sẽ không chênh lệch nhau mấy, nhưng về đa nhiệm thì phiên bản nhiều RAM hơn sẽ chiếm ưu thế.
RAM quyết định đến khả năng đa nhiệm của máy. (Nguồn: Internet)
Dù vậy, hiệu năng điện thoại một phần cũng đến từ hệ điều hành. Hệ điều hành tối hiệu năng smartphone tốt thì không cần quá nhiều RAM, điển hình như các thiết bị iPhone luôn có RAM thấp. iPhone 11 Pro Max mà chỉ có 4 GB RAM, trong khi đó Samsung Galaxy S20 Ultra có đến 12 GB RAM, nhưng độ mượt mà thì người dùng đánh giá cao iPhone hơn rồi.
Mình còn nhớ những mẫu Nokia Lumia chạy Window Phone lúc trước chỉ hỗ trợ RAM 512 MB hoặc 1 GB mà thôi nhưng độ mượt mà là vô đối. Buồn thay, Window Phone chết khá sớm!
Huyền thoại Window Phone cho khả năng đa nhiệm tuyệt vời dù ít RAM. (Nguồn: Internet)
Sử dụng smartphone nhiều RAM không phải là thừa thãi, vì đa nhiệm là tính năng quan trọng trên smartphone. Chẳng có ai muốn ứng dụng bị load lại khi nhận cuộc gọi hay bị trở về màn hình chính đâu. RAM nhiều còn giúp nhà sản xuất phát triển tính năng chia đôi cửa sổ màn hình, giúp 2 ứng dụng hoạt động cùng một lúc.
Tuy nhiên, nếu không có nhu cầu đa nhiệm hay sử dụng nhiều ứng dụng cùng lúc thì bạn không cần phải bỏ nhiều tiền hơn đế mua một smartphone nhiều RAM đâu.
Việc chia đôi cửa sổ màn hình cũng trơn tru hơn nếu nhiều RAM. (Nguồn: Internet)
Tổng kết
Như vậy, các bạn có thể thấy nếu như muốn chơi game ổn định, chỉnh sửa ảnh nhanh chóng hay mở ứng dụng siêu tốc thì lựa chọn quan tâm đến con chip xử lý của smartphone đó. Còn nếu như bạn muốn chuyển ứng dụng mượt mà hơn, thoát game rồi vào lại mà không bị load lại hoặc chạy nhiều ứng dụng cùng lúc lại thì nên chọn smartphone có nhiều RAM. Nhưng nếu chọn flagship thì không cần lăn tăn điều này rồi.
Theo mình thấy thì chip xử lý trên di động hiện tại đã quá nhanh so với nhu cầu của người dùng. Những tác vụ phổ biến nhất đều được mọi thiết bị tầm trung trở nên xử lý mượt mà nên hiệu năng từ chip không còn là nỗi lo như nhiều năm về trước nữa, một con chip Snapdragon tầm trung cũng dư sức chơi game và chỉnh sửa ảnh rồi. Thiết bị chính của mình chạy Android và mình không có nhu cầu đa nhiệm, sau khi sử dụng xong thì xóa đa nhiệm hoàn toàn nên mình cũng không cần quá nhiều RAM, đối với mình 4 RAM là đủ rồi. Nhưng những anh em sử dụng nhiều ứng dụng, hay chuyển đổi qua lại giữa các ứng dụng thì nên chọn thiết bị có RAM 6 – 8 GB.
Còn bạn, bạn sẽ ưu tiên smartphone nhiều RAM hay vi xử lý tốt? Để lại ý kiến bên dưới phần comment nhé.